VIBM: KHẢO SÁT VÀ PHÂN TÍCH TIẾNG ỒN MÔI TRƯỜNG

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa sức khỏe là ‘‘trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần, xã hội và không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hoặc ốm đau”. Do vậy có thể thấy rằng ảnh hưởng của tiếng ồn đối với sức khỏe con người không nên được hiểu một cách đơn thuần là những tác động vật lý bất lợi do tiếp xúc với tiếng ồn, mà nó còn làm xáo trộn cảm xúc ảnh hưởng tới tâm lý con người, về lâu dài có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu tới cơ thể.

WHO đã xác định được một số tác dụng phụ cụ thể đối với sức khỏe gây ra bởi tiếng ồn môi trường. Những tác động này có thể phải điều trị y tế cũng có thể là các chứng rối loạn giấc ngủ, căng thẳng về tâm sinh lý hoặc các tác động tiêu cực đến khả năng tập trung học tập của trẻ nhỏ.

Tại Việt Nam những năm qua, cùng với sự gia tăng của quá trình đô thị hóa thì mật độ dân số sẽ càng ngày càng dày hơn. Sự tăng trưởng trong phát triển cơ sở hạ tầng, sự đổi mới hệ thống máy móc và mở rộng nhanh chóng của các hệ thống giao thông, đã dẫn đến sự gia tăng không gian ở, văn phòng và các trung tâm thương mại được xây dựng gần các hệ thống giao thông. Khi số lượng người sống trong một khu vực hạn chế tăng lên, hậu quả trực tiếp là việc tiếp xúc với tiếng ồn của môi trường cũng tăng lên. Trong môi trường như vậy, con người thường xuyên tiếp xúc với âm thanh từ tất cả các hệ thống đô thị khác nhau tạo thành một phần không thể thiếu của cuộc sống đô thị. Cảm nhận về âm thanh có thể tích cực (hài hòa, dễ chịu, sảng khoái,v.v.) hoặc tiêu cực (gây phiền, quá ồn ào, gây đau đớn, v.v.) tùy thuộc vào loại âm thanh và mức độ tiếp xúc. Loại tiếng ồn trong một môi trường phức tạp như vậy có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau. Hệ thống giao thông làm phát sinh tiếng ồn đường bộ, tiếng ồn đường sắt và tiếng ồn máy bay, là những nguồn tiếng ồn ngoài trời có trong môi trường xây dựng. Tiếng ồn ngoài trời khác cũng bao gồm tiếng ồn từ hoạt động xây dựng, hệ thống điện, hệ thống máy bơm, máy nén, hoạt động công nghiệp, v.v. Không chỉ có tiếng ồn ngoài trời mà tiếng ồn trong nhà cũng là một nguồn gây ồn tác động đến sức khỏe. Tiếng ồn trong nhà ở và nơi làm việc thường ở dạng lời nói, trò chuyện, tiếng ồn va chạm từ hoạt động của con người trong nhà, tiếng bước chân đi lại và tiếng ồn thiết bị từ máy hút bụi, máy giặt, máy rửa bát, tủ lạnh, TV, hệ thống âm thanh, tiếng ồn từ hệ thống thông gió, điều hòa không khí v.v. Do đó, môi trường đô thị thường biểu hiện là sự kết hợp tiếng ồn của nhiều loại âm thanh khác nhau, từ sự kết hợp đồng thời các nguồn tiếng ồn ngoài trời và trong nhà.

Con người sống trong một không gian dân cư và nơi làm việc khi tiếp xúc với tiếng ồn liên tục có thể bị ảnh hưởng bất lợi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tình trạng như đau đớn, căng thẳng, khó chịu có thể kéo dài cũng như sự mất tập trung và giảm năng suất làm việc bị ảnh hưởng. Sự thoải mái về âm thanh liên quan tới một người có thể là việc khó chịu khi tiếp xúc với tiếng ồn từ hàng xóm, nhưng cũng khó chịu không kém khi cảm thấy thiếu sự riêng tư tức là khi biết những hoạt động của mình có thể bị người khác nghe thấy. Việc cách âm kém giữa các ngôi nhà có thể là nguyên nhân gây ra các xung đột và cũng là nguyên nhân hạn chế các hoạt động. Như vậy, có thể thấy rằng việc giảm tiếp xúc với tiếng ồn không chỉ là yếu tố quyết định chất lượng của cuộc sống liên quan đến sự thoải mái âm thanh trong nhà ở mà còn là yếu tố chi phí kinh tế xã hội bởi việc tiếp xúc với tiếng ồn.

– Có thể làm giảm năng suất và gây ra bệnh tật cho con người

– Ảnh hưởng đến sức khỏe con người dẫn đến tăng chi phí của hệ thống y tế

Hình 1. Đồ thị đường cong xếp hạng tiếng ồn

Tiếng ồn là âm thanh không mong muốn và khi chúng ta ở trong nhà, nơi làm việc hoặc ngoài trời, chúng ta sẽ gần như chắc chắn phải tiếp xúc với một mức độ âm thanh nền nhất định hoặc âm thanh xung quanh. Chúng ta không bao giờ có thể tạo ra, một môi trường hoàn toàn không có âm thanh. Ngoài ra chúng ta cũng không muốn sống trong một thế giới không có âm thanh. Một mức độ âm thanh nền vừa phải có thể hữu ích khi nó giúp cuộc trò chuyện riêng tư trong nhà hoặc văn phòng không bị những người nghe gần đó nghe thấy nhưng đảm bảo những người trò chuyện có thể nghe thấy nhau. Âm thanh nền ở mức rất thấp có thể góp phần không làm gián đoạn giấc ngủ hoặc quá trình nghỉ ngơi khi có những tiếng động lớn đột ngột. Ở một số nơi công cộng, mức âm thanh nền cao hơn có thể được chấp nhận. Những nơi khác, chẳng hạn như khán phòng và phòng hòa nhạc, mức âm thanh nền rất thấp là yêu cầu bắt buộc. Đường cong xếp hạng tiếng ồn (Noise Rating Curve – NR) được sử dụng phổ biến để thiết lập các mức âm thanh cho phép trong các các không gian nội thất. Các đường cong xếp hạng tiếng ồn xác định môi trường trong nhà được chấp nhận để bảo vệ thính giác, giao tiếp bằng lời nói. Các đường cong này nằm trong khoảng từ NR 0 đến NR 130 được thể hiện trong Hình 1. Giá trị của mức ồn tối đa cho phép trong các công trình công cộng được đưa ra trong Bảng 1 và ảnh hưởng của tiếng ồn đến các hoạt động của con người được tổng hợp trong Bảng 2.

Tại Việt Nam, giới hạn mức tiếng ồn tối đa do hoạt động của con người tạo ra, không phân biệt loại nguồn gây ồn, vị trí phát sinh tiếng ồn tại các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc, được quy định trong QCVN 26:2010/BTNMT như sau:

Bảng 1 – Mức độ ồn tối đa khuyến cáo cho các mục đích sử dụng

Bảng 2 – Ảnh hưởng của tiếng ồn đến các hoạt động của con người

Bảng 3 – Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn (L­Aeq, dB)

Mức tiếp xúc cho phép với tiếng ồn của người lao động tại nơi làm việc không vượt quá các giá trị quy định tại QCVN 24:2016/BYT

Bảng 4 – Giới hạn cho phép mức áp suất âm theo thời gian tiếp xúc

Các máy đo và phân tích âm thanh hiện đại nhất ngày nay có thể thực hiện nhiều phép đo và đánh giá âm thanh, nhưng chưa có một máy đo nào có thể bắt chước được cách cảm nhận âm thanh của tai người. Vì vậy các máy đo chỉ có thể xác định mức âm (theo dB), nghĩa là xác định một giá trị mang tính vật lý. Những phương pháp xác định âm thanh chính:

– Ðo phân tích mức âm theo tần số.

– Ðo mức âm tổng cộng về năng lượng theo các thang hiệu chỉnh gần đúng về cảm giác âm thanh của hệ thính giác người.

– Ðo tích lũy theo từng khoảng thời gian để xác định trị số trung bình năng lượng âm thanh (mức âm tương đương).

– Ghi lại mức áp suất âm (trên băng giấy) hoặc ghi lại âm thanh trên băng, đĩa từ và hiển thị âm thanh.

– Ðo thời gian âm vang của phòng và chất lượng cách âm của các kết cấu.

Các máy đo âm thanh hiện nay đều làm việc theo nguyên tắc tác động của áp suất âm thanh, tương tự tai người. Tuy nhiên vẫn có sự khác nhau cơ bản giữa máy đo và tai người. Do micophone có độ nhạy đồng đều với mọi tần số âm thanh. Trong khi đó tai người thu nhận áp suất âm và chuyển đổi thành tác động thần kinh mạnh hay yếu còn phụ thuộc tần số âm. Tai người là một bộ máy chủ quan, cảm giác âm thanh mà tai người thu nhận được đánh giá theo đơn vị phon. Ðể chuyển đổi một cách gần đúng các kết quả đo khách quan của máy về cảm giác chủ quan của tai người, cần đưa vào máy các mạch hiệu chỉnh tương ứng với đường đồng mức đo to của âm gần mức khảo sát nhất. Tuy nhiên công việc này rất phức tạp. Ðể đơn giản công việc đó người ta chia các đường đồng mức độ to của âm thành ba vùng và xác định một đường trung bình cho những vùng đó.

– Vùng A: các đường đồng mức to từ 0 đến 40 dB (tần số 1000 Hz)

– Vùng B: từ 40 đến 70 dB (tần số 1000 Hz)

– Vùng C: trên 70 dB (tần số 1000 Hz)

Hình 2. Các đường cong hiệu chỉnh A, B, C, D

Như vậy ta có các mạch hiệu chỉnh A, B và C tương ứng kết quả đo mức âm được biểu diễn theo dB-A, dB-B và dB-C. Sau này được bổ sung thêm mạch hiệu chỉnh D (mức âm theo dB-D) để xét đến tác động gây nhiễu của tiếng ồn tần số cao. Muốn kết quả đo gần đúng nhất với cảm giác của tai người, ta thực hiện phương pháp đo như sau:

– Mở mạch hiệu chỉnh A, nếu mức âm đo được không vượt quá 40 dB thì kết quả đúng và được biểu diễn theo dB-A.

– Nếu mức âm lớn hơn 40 dB, cần phải mở mạch hiệu chỉnh B. Kết quả đúng nằm trong phạm vi từ 40 ÷ 70 dB và biểu diễn theo dB-B.

– Nếu mức âm vượt quá 70 dB, phải đo theo mạch hiệu chỉnh C (dB-C).

Tuy nhiên phương pháp đo như vậy quá phiền phức và đôi khi không thực hiện được. Vì vậy hiện nay để thực hiện các phép đo, đánh giá và tiêu chuẩn âm thanh, người ta quy định sử dụng mạch hiệu chỉnh A (dB-A) để đánh giá tất cả âm thanh, kể cả trong đời sống, sản xuất công nghiệp, giao thông hoặc tiếng ồn máy bay.

Trung tâm Thiết bị Môi trường & An toàn Lao động – VIBM là một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu thử nghiệm, khảo sát & phân tích tiếng ồn môi trường; đánh giá âm học công trình; mô phỏng tính toán khả năng cách âm của các thành phần trong công trình và nghiên cứu đánh giá khả năng cách âm tại hiện trường theo các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như: TCVN 7878 (ISO 1996); TCVN 9799 (ISO 9612); TCVN 7192 (ISO 717); ISO 140; ISO 16283; ISO 10140; ASTM E336; ASTM E90; ASTM E413; ASTM E1007; ASTM E492; ASTM E989.


Chi tiết liên hệ:

Trung tâm Thiết bị, Môi trường & An toàn lao động – VIBM
Địa chỉ: Ngõ 235 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 024 3.558.5928; 0915.502.834; 0912.181.479; Fax: 024 3.858.1112;
Email: tbmt.atld@gmail.com
Website: http://vibm.vn

 

Trung tâm Thiết bị Môi trường & ATLĐ